Thông tin trên được ông Trần Hải Nam,óthểcóthêmphươngánrútBHXHlầrazor Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết tại Hội thảo "Thông tin chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội", do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 28.11.
Theo ông Trần Hải Nam, thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho thấy, giai đoạn 2016 - 2022 có gần 5 triệu lượt người hưởng BHXH 1 lần, với tốc độ tăng trung bình khoảng 12,3%/năm, trong khi tốc độ tăng đối tượng tham gia chỉ 5 - 6%.
Theo thời gian đóng, có 67% người hưởng có dưới 5 năm đóng, tuổi bình quân 31,7 tuổi; gần 10% người có từ 10 năm đóng trở lên, nhóm này bình quân 41,87 tuổi. Phần lớn số lao động hưởng thuộc khu vực ngoài nhà nước, chiếm trên 90%. Có trên 98% người hưởng sau 1 năm nghỉ việc.
Ông Nam cho rằng, tới đây cần kiên quyết hơn trong điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Một mặt cần khuyến khích người lao động tự nguyện ở lại hệ thống và bảo lưu thời gian đóng, hướng đến lương hưu, song cũng cần bổ sung chế độ hấp dẫn, gia tăng các quy định chặt chẽ hơn.
Liên quan đến vấn đề sửa đổi quy định hưởng BHXH 1 lần, ông Nam cho biết trong trong hồ sơ luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất 2 phương án hưởng BHXH 1 lần.
Phương án 1, nhóm 1 gồm những người đã tham gia BHXH trước khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Với quy định này, hơn 17 triệu người đang tham gia BHXH sau năm 2025 khi luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực vẫn được rút BHXH 1 lần. Còn những người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật có hiệu lực (dự kiến 1.7.2025) thì không được rút BHXH 1 lần, trừ một số trường hợp đặc thù.
Phương án 2 là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Với hai phương án được đề xuất tại dự thảo, ông Nam cho rằng, phương án 1 có thể tạo ra sự phân biệt là cứng nhắc về mặt thời gian. Còn phương án 2, dù có rút đi một phần để giải quyết những khó khăn trước mắt thì người lao động vẫn còn phần để lại trong hệ thống, có cơ hội quay trở lại, hướng đến lương hưu.
Mặc dù vậy, phương án này cũng gặp thách thức là với mức lương hưu thấp như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của chính sách.
Ông Nam chia sẻ: "Quốc hội vừa cho ý kiến về 2 phương án hưởng 1 lần, tới đây cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dự án luật BHXH. Có thể sẽ có phương án lồng ghép giữa 2 phương án hoặc sẽ có thêm phương án 3. Chúng tôi nghĩ rằng phương án nào cũng cần hướng đến mục tiêu giữ người lao động ở lại hệ thống để họ có lương hưu, đảm bảo an sinh lâu dài".